Ngày 12.3, BVĐK huyện Đồng Văn đã cấp cứu thành công cho trường hợp sản giật nhập viện với tình trạng nguy hiểm. Người bệnh là chị Vàng Thị Mai, 18 tuổi, trú tại xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn có thai lần 1, thai khoảng 9 tháng.
Theo người nhà người bệnh kể: vào khoảng 8h sáng ngày 12.3 sản phụ ở nhà thấy đau đầu, chóng mặt, co giật toàn thân rồi ngã vào bếp lửa và được gia đình đưa đến trạm y tế xã khám, chỉ số huyết áp là 180/100 mmHg đã được xử trí dùng thuốc hạ áp, an thần sau đó chuyển đến viện bằng xe cứu thương.
Tình trạng lúc vào viện: phù 2 chi dưới, huyết áp 150/100 mmHg, trong thời gian làm các thủ tục nhập viện bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân. Với sự khẩn trương của kíp trực và các bác sĩ sản khoa BVĐK huyện Đồng Văn đã tiến hành phẫu thuật lấy thai cấp cứu kịp thời.
Sau 5 ngày điều trị , hiện tại tình hình sức khỏe của cả hai mẹ con đều đã ổn định, dự kiến sẽ ra viện trong 2 ngày tới.
Sản giật là biến chứng cấp tính của tiền sản giật biểu hiện bằng những cơn co giật liên tục rồi kết thúc bằng hôn mê, nếu không điều trị kịp thời sản giật có thể gây tử vong cho cả mẹ và con. Sản giật có thể gặp trước trong và sau đẻ. Nguyên nhân hiện nay chưa rõ. Vì vậy, trong quá trình mang thai sau 20 tuần của thai kỳ khi có những dấu hiệu bất thường như cao huyết áp ≥ 140/90mmHg, phù toàn thân, đi tiểu ít, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt…cần đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng sản khoa nặng nề. Sản giật gây biến chứng cho người mẹ: Cắn phải lưỡi khi lên cơn giật; ngạt thở; phù phổi cấp; xuất huyết não - màng não; viêm gan cấp, viêm thận cấp để lại di chứng cao huyết áp mãn, viêm gan, viêm thận mãn và có thể tử vong. Sản giật cũng làm cho thai nhi kém phát triển trong tử cung, hoặc đẻ non và có thể làm chết lưu trong tử cung.
Vì nguyên nhân chưa rõ nên khi mang thai cần đăng ký quản lý thai nghén tại Trạm Y tế, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung canxi, giữ ấm vào mùa đông, chăm sóc tốt trong thời kỳ hậu sản và đặc biệt khi có những dấu hiệu bất thường cần đưa thai phụ đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.
Để phòng tránh nguy cơ tiền sản giật, thai phụ nên khám thai định kỳ 3 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe, đồng thời chú ý phát hiện các dấu hiệu bất thường để có hướng chủ động điều trị.
Tác giả bài viết: BS Đoàn Đại Công
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn