Đánh giá thực trạng giao tiếp của điều dưỡng với người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn năm 2021
Chủ nhiệm |
Đinh Thị Ly Na |
Thành viên |
Nguyễn Thị Nhơn, Ngô Văn Say |
Số |
N/A |
Năm |
2021 |
Cấp độ |
Cấp cơ sở |
Lĩnh vực |
Y tế |
Trong hoạt động nghề nghiệp của Điều dưỡng, Giao tiếp là một kỹ năng nghề nghiệp đồng thời cũng là một nghệ thuật để đảm bảo quá trình trao đổi thông tin và nhu cầu tinh thần của người bệnh.Vì sức khỏe là sự thỏa mãn về cả thể chất, tinh thần, xã hội nên kỹ năng giao tiếp của điều dưỡng tốt sẽ giúp cho quá trình điều trị, phục hồi của bệnh nhân thuận lợi hơn và đảm bảo chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn.
Khả năng giao tiếp của mỗi người phụ thuộc vào tố chất, đặc điểm tính cách của mỗi cá nhân đó, đồng thời nó cũng phụ thuộc nhiều vào môi trường, xã hội, quá trình giáo dục mà người đó được tiếp nhận nên nó là một kỹ năng nghề nghiệp có thể rèn luyện được.
Vì thế, trong những năm qua Bộ Y tế đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao tiếp của nhân viên y tế và đã ban hành nhiều văn bản quy định về giao tiếp ứng xử như Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, Quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở khám chữa bệnh, Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, và gần đây Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng đã ban hành Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên. Các văn bản này đều dành những quy định cụ thể và rõ ràng về giao tiếp trong Bệnh viện (Bv), đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng lề lối, tác phong làm việc chuyên nghiệp và tạo dựng một diện mạo tích cực về Bệnh viện.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số cơ sở khám chữa bệnh đã để xảy ra tình trạng viên chức y tế có thái độ với người bệnh, người nhà người bệnh gây bức xúc dư luận xã hội. Nghiên cứu của Cao Mỹ Phượng và cộng sự (năm 2012) về sự hài lòng của người bệnh tại các Bv đa khoa trong tỉnh Trà Vinh cho thấy: lời nói, thái độ của nhân viên y tế có nơi chưa tốt, còn cáu gắt và có gợi ý tiền, quà biếu của bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu sự hài lòng người bệnh nội trú về chất lượng chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện tỉnh HòaBình (năm 2006) của Nguyễn Đức Thành cho thấy bệnh nhân (BN) chưa thật sự hài lòng với chất lượng chăm sóc sức khỏe (CSSK), ở khía cạnh giao tiếp và tương tác với nhân viên y tế như điều dưỡng, kỹ thuật viên (KTV) cận lâm sàng đạt chưa cao.
Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn là Bệnh viện hạng II, tuyến huyện (theo Quyết định 431/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của UBND tỉnh Hà Giang về việc sếp hạng lại, nâng hạng đối với 16 đơn vị sự nghiệp công lâp trực thuộc Sở Y tế năm 2017) với quy mô 120 giường bệnh (trong đó:Tại Bệnh viện 100 giường; Phòng khám Đa khoa khu vực: 20 giường). Chức năng nhiệm vụ là khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân huyện Đồng Văn và các xã giáp danh của huyện lân cận. Tình trạng quá tải thường xuyên tại các khoa đã tạo nên sự thiếu hụt về nhân lực và cơ sở vật chất; Mặt khác, với đội ngũ cán bộ phần đông còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề nên trong quá trình phục vụ đôi lúc còn những thiếu hụt về giao tiếp. Và đã có nhiều nghiên cứu khác nhau về thực trạng giao tiếp của nhân viên y tế nói chung, của điều dưỡng nói riêng ở nhiều bệnh viện khác nhau. Tuy vậy, thực trạng này rất khác nhau ở những bệnh viện khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu đều dùng phương pháp phỏng vấn người bệnh hoặc nhân viên y tế, rất ít nghiên cứu ghi nhận trực tiếp các lời nói, hành vi giao tiếp. Chính vì thế chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá thực trạng giao tiếp của điều dưỡng với người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn năm 2021”.